Di tích địa đạo Tam Giác Sắt
Khu di tích địa đạo Tam Giác Sắt đã được công nhận di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. Với hệ thống địa đạo nối liền ba xã dài khoảng 70 km, những trận đánh "xuất quỷ - nhập thần" đã làm chìm hàng trăm xác tàu giặc trên sông Sài Gòn; những trận đánh từ ô ụ, địa đạo chiến đấu tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ ngụy, phá hủy xe tăng, xe bọc thép của địch bằng vũ khí tự tạo..., làm cho đội quân viễn chinh Mỹ phải khiếp sợ mỗi khi đặt chân đến vùng đất lửa này. Không tiến công được bằng bộ binh cho nên ngày 18-6-1965, lần đầu trong chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ và quân đội ngụy quyền Sài Gòn đã sử dụng 27 máy bay B52 xuất kích từ đảo Gu-am, rải bom xuống ấp Bờ Cảng và Trảng Lớn (thuộc xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Sau nhiều lần chống càn quét, đánh phá, quân và dân ta đã cùng du kích vùng Tam Giác Sắt loại khỏi vòng chiến hơn 3.000 tên địch, làm thất bại các cuộc hành quân lớn với đủ thứ trực thăng, xe tăng, bọc thép... của quân ngụy và đế quốc Mỹ xâm lược. Ta thắng từng trận càn của chúng, vì lực lượng cách mạng ta luôn luôn có chỗ dựa vững chắc trong lòng dân, họ có thế trận của chiến tranh nhân dân mà địa đạo là một trong những sáng tạo độc đáo của nhân dân ba xã tây nam Bến Cát và cả vùng đất Củ Chi.